Bài này không biết tôi đã để draft từ bao lâu rồi, có thể là một năm trước, cũng có thể là 6 tháng trước. Chẳng ai nhớ được lần gần nhất bạn định chuyển hướng khi đứng trước một ngã rẽ, thời điểm đó tưởng như cho ta nhiều thời gian nhưng nó lại thoáng qua nhanh đến mức chẳng để cho ta kịp nhớ gì về nó hết.

Từ bé đến lớn ta liên tục được lựa chọn và phải lựa chọn. Ví dụ như ngày xưa bạn chọn trường để học, chọn nghành để theo, chọn người để yêu và… chọn ngôn ngữ lập trình đầu tiên. Khi đã đến tuổi đi làm rồi, trước tiên là phải có việc làm, lâu lâu thì nhảy sang chỗ mới để làm.

Mở bài thì dài dòng như vậy, nhưng chủ đề tôi muốn nói lại khá đơn giản và quen thuộc: Nhảy việc.

Nhảy việc là gì?

Theo tôi hiểu thì nhảy việc là ta nhảy từ công ty này sang công ty khác. Nếu thay đổi công việc nhưng vẫn ở cùng một công ty thì không phải là nhảy mà là “chuyển việc”.

Nhảy việc không có nghĩa là công ty cũ tệ hơn hay công ty mới tốt hơn. Có người nhảy ra thì có người khác nhảy vào. Bạn happy với công việc – người khác không happy hoặc ngược lại tùy thuộc vào mong muốn và khả năng của mỗi người. Tôi không hề có ý chê trách công ty hiện tại, tôi còn thấy không vui khi phải ra đi vì họ đã đối xử với tôi tốt hơn những gì tôi đáng nhận được.

Nhảy việc có sao không?

Tại sao lại nhảy việc? Phải chăng quay lưng với công ty mà mình đã gắn bó là một sự phản bội? Phải chăng đã ra đi là không bao giờ trở lại? Việc ra đi của bạn có ảnh hưởng tốt xấu nhiều như thế nào đến đồng nghiệp của bạn? Sếp của bạn có buồn và thất vọng? Và vô số câu hỏi khác.

Nếu bạn nhảy việc mà nghĩ đến những câu hỏi trên, bạn đã nghĩ quá nhiều. Với tôi đơn giản đó chỉ là một công việc, tôi không làm thì công ty sẽ giao cho người khác làm. Cho dù tôi có giỏi đến đâu thì vẫn sẽ có người thay thế, có khi họ còn làm tốt hơn tôi. Hơn nữa nếu xem xét kỹ càng, sự hiểu biết và kỹ năng của tôi cũng bình thường. Đa số chẳng ai quan trọng đến mức dự án sẽ sụp đổ bởi vì sự ra đi của họ, và tôi cũng vậy.

Về đồng nghiệp cũ, những người bạn thực sự sẽ vẫn chơi với nhau. Có thể sẽ chẳng gặp nhau nhiều, có thể mọi thứ sẽ nhạt nhòa khi chẳng còn kết nối. Nhưng có sao đâu, đám bạn thời cấp ba và bạn đại học của bạn, giờ họ ở đâu?

Lý do để nhảy việc

Rốt cục ai cũng sẽ hỏi lý do bạn nhảy việc và sẽ hỏi đi hỏi lại cho đến khi bạn chịu trả lời. Tôi thì sẽ chẳng nghỉ việc vì vài xích mích vớ vẩn hay bất mãn với công ty. Những vấn đề như vậy tôi sẽ nói thẳng để hai bên cũng giải quyết thay vì im ỉm nhảy việc.

Theo tôi có ba lý do chính đáng, ba thứ tôi lấy ra để so sánh cái được và cái mất. Đầu tiên là niềm hạnh phúc khi được làm việc. Niềm hạnh phúc này có thể là một bạn gái xinh xắn cùng team, một quán cafe gần công ty hay đơn giản là con đường đi làm nó… đẹp. Niềm hạnh phúc lớn lao hơn một chút là được làm vị trí mình thích, được xây dựng những thứ thú vị, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn :))

Thứ hai là khả năng phát triển và học hỏi trong công việc. Cái này còn tùy vào hướng đi của bạn, người ta gọi là “career path”. Công việc nào tốt cho career path của bạn thì chọn công việc đó.

Nếu công việc mới hứa hẹn cả hai thứ trên, hãy đừng ngần ngại. Chẳng gì quan trọng hơn niềm hạnh phúc và khả năng phát triển của bạn.

Cuối cùng là tiền lương. Con số này nói lên khả năng tài chính của bạn và bạn quan trọng như thế nào trong mắt công ty hiện tại.

Kết

Chủ đề bài viết được trích từ một bài blog mà tôi rất thích: 10 steps to becoming the developer everyone wants. Đại khái là “đừng nhảy việc quá sớm, cũng đừng làm một chỗ quá lâu”.

Không phải ai cũng tìm được ngay vị trí mình yêu thích, vì vậy dù có buồn chán thế nào hãy cứ cố gắng làm tốt công việc hiện tại. Khi cơ hội đến, hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng làm theo cảm tính. Vì có thể công việc hiện tại là công việc tốt nhất mà bạn từng có.

Be good!

0 0 votes
Article Rating